Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Sáng ngày 30/9, thừa ủy quyền của Văn phòng Chính phủ, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai xây dựng Đề án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh – Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính tỉnh; lãnh đạo và cán bộ làm đầu mối kiểm soát TTHC các sở, ban, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.
Để thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực và giao Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính”.
Tại hội nghị, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh, dịch COVID-19 mang lại rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội. Một trong giải pháp giúp nền kinh tế vực dậy, vượt qua khó khăn chính là tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường thể chế, tháo nút thắt, rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC được triển khai trên phạm vi toàn quốc, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều tham gia quá trình xây dựng này. Dự kiến, trong quý I/2022, VPCP sẽ trình Chính phủ Đề án phân cấp trong giải quyết về TTHC. Điểm khác biệt của Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC là không xây dựng đề án để đưa ra quy định mang tính nguyên tắc mà đề án tiếp cận trực diện, đi vào từng vấn đề để đưa ra phương án phân cấp đối với từng TTHC cụ thể.
Hiện toàn quốc có khoảng trên 6.500 TTHC. Trong đó, các địa phương có khoảng 1.564 TTHC được phân bổ tại 3 cấp: Sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện, xã; có 1.458 TTHC thuộc ngành dọc của Trung ương tại địa phương; còn lại TTHC thuộc các Bộ, các ngành là 3.835 TTHC thuộc cấp Bộ, ngành giải quyết.
Tại tỉnh Hà Giang, để triển khai nhiệm vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Thành phố Hà Giang tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, đạt mục tiêu phân cấp ít nhất 20% thủ tục hành chính.
Phương án phân cấp gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ/cơ quan ngang Bộ phân cấp thẩm quyền giải quyết cho UBND/Chủ tịch UBND cấp tỉnh/sở, ngành/Giám đốc sở, ngành cấp tỉnh; UBND/Chủ tịch UBND cấp tỉnh/sở, ngành/Giám đốc sở, ngành cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC cho UBND/Chủ tịch UBND cấp huyện/phòng, ban/Trưởng phòng, ban cấp huyện; UBND/Chủ tịch UBND cấp huyện/phòng, ban/Trưởng phòng, ban cấp huyện phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC cho UBND/Chủ tịch UBND cấp xã.
Tại hội nghị, ý kiến của các Bộ, địa phương đều nhấn mạnh việc triển khai xây dựng đề án là cần thiết. Đại diện UBND Thành phố Đà Nẵng nhận thấy, đề án là việc mới, việc khó, vì vậy địa phương đề xuất VPCP tạo nhóm hỗ trợ kỹ thuật, nhóm chuyên môn để giúp các địa phương hoàn thiện đề án đúng tiến độ. Đại diện Bộ Xây dựng cũng đề nghị có bộ phận hỗ trợ kỹ thuật phối hợp với các Bộ trong quá trình xây dựng đề án.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đoan