Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và giải pháp xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021-2022

Sáng ngày 20/8, đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – Trưởng Ban điều hành 268 đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và giải pháp xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021-2022. Các đồng chí: Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương – Phó Trưởng Ban thường trực; Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT – Phó Trưởng ban đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành; Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân, Chủ tịch UBND các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; phòng NN và PTNT; đại diện Hiệp hội cam Sành tỉnh và doanh nghiệp/HTX sản xuất, chế biến có sản lượng lớn trên địa bàn; Lãnh đạo và chuyên viên phụ trách lĩnh vực Văn phòng UBND tỉnh,…
Toàn cảnh hội nghị.
Niên vụ 2021 – 2022, tổng diện tích cam của tỉnh là 8.159,3 ha, trong đó: huyện Bắc Quang 5.675,4ha; Quang Bình 2.061 ha; Vị Xuyên 422,9 ha; diện tích cho thu hoạch 7.431,6 ha, sản lượng ước đạt 77.810 tấn.
Trong niên vụ 2021-2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm cam của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm cam Sành có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch và bảo quản ngắn, dễ bị hỏng khi thu hái vào ngày mưa và do bốc xếp vận chuyển và phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Riêng sản phẩm cam vàng do có nhiều chủng loại, thời gian thu hoạch dài và rải vụ, dễ vận chuyển sẽ thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ so với sản phẩm cam Sành.


Đại diện một HTX trồng, tiêu thụ cam xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang phát biểu tại hội nghị.
 
Tại hội nghị, đại diện các sở, huyện trồng cam đã phát biểu ý kiến, bàn các giải pháp tiêu thụ cam và những khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cam niên vụ 2021-2022 trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đại diện các HTX trồng và tiêu thụ sản phẩm cam đã báo cáo một số khó khăn của bà con trong việc chăm sóc cây cam dẫn đến sản lượng quả cam không đạt được bằng niên vụ trước; bên cạnh đó giá các sản phẩm dùng để chăm sóc cây như phân bón tăng quá cao do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, mẫu mã quả cam. Niên vụ cam năm nay, các HTX mong muốn các sở ngành của tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ, đặc biệt là đưa cam vào bán tại các siêu thị và hỗ trợ các hộ trồng cam tem, nhãn dán trên sản phẩm; hỗ trợ các hộ liên doanh bán các sản phẩm cam tại chỗ; đẩy mạnh công tác truyền thông để quảng bá sản phẩm cam Hà Giang. Bên cạnh đó, đại diện Viettel và Bưu điện đã đưa ra phương án bảo quản quả cam trong quá trình vận chuyển và cam kết sẽ đồng hành cùng tỉnh trong việc tiêu thụ cam của tỉnh…


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Thái Hòa phát biểu tại hội nghị.
 
Để chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm cam niên vụ 2021 – 2022 đạt kết quả tốt, hạn chế các tác động do dịch bệnh, tại hội nghị, đại diện Sở Công thương đã trình bày 3 kịch bản tiêu thụ cam, gồm kịch bản tiêu thụ cam trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; kịch bản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và kịch bản dịch bệnh ảnh hưởng toàn diện.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long kết luận hội nghị.
 
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cho rằng dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 từ giờ đến cuối năm vẫn còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh/thành phố trong cả nước gây ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, trước mắt sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ cam niên vụ 2021-2022 của Hà Giang. Đồng chí đề nghị tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ cho hợp lý. Đề nghị Tổ truyền thông chuyển đổi số đồng hành vào cuộc mở rộng truyền thông trên nền tảng chuyển đổi số; tăng cường tiêu thụ trên nền tảng online, sàn thương mại điện tử, tại các chợ truyền thống, tiểu thương nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, lưu ý ảnh sản phẩm đăng bán trên sàn giao dịch phải đúng với hình ảnh thực tế của sản phẩm khi giao cho người mua. Giao Sở Công thương là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cam trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, phù hợp với diễn biến, tình hình dịch Covid-19; thường xuyên liên hệ trao đổi với các cơ quan Bộ, ngành liên quan, các tỉnh/thành phố trong nước đề xuất hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xúc tiến tiêu thụ cam; phối hợp với các huyện xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng các kịch bản tiêu thụ phù hợp. Yêu cầu các huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân đến thu mua.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đoan