Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về Chính phủ điện tử

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chính phủ điện tử Việt Nam trong giai đoạn mới. Sáng 12/2, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương để đánh giá sơ kết thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về phát triển CPĐT năm 2019, chỉ đạo, định hướng triển khai CPĐT năm 2020 và giai đoạn tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT, chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CPĐT; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT; các đồng chí Ủy viên Quốc gia về CPĐT; thành viên BCĐ xây dựng CPĐT các bộ, ngành, địa phương.
Đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó BCĐ CPĐT tỉnh cùng các ngành thành viên BCĐ CPĐT tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó BCĐ CPĐT tỉnh; các ngành thành viên BCĐ CPĐT tỉnh.
 
CPĐT là vấn đề quản trị công và công nghệ, sau gần 20 phát triển CPĐT của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu từ chỗ là một nước không có kinh nghiệm thực tiễn, đã dần làm chủ công nghệ, giải pháp và các nền tảng nhằm đưa CPĐT thực sự trở thành cầu nối giữa Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ về phát triển CPĐT. Với quyết tâm xây dựng CPĐT hiện thực hóa chủ trương Chính phủ phục vụ, kiến tạo. Kết quả nổi bật, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi nhận  văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần với mục tiêu 2020 đề ra 90%; khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia ngày 12/3/2019; tỷ lệ dịch vụ DCVTT mức 4 tăng hơn 2 lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019…
Năm 2019, công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng CPĐT đã có những kết quả tích cực tên các mặt xây dựng thể chế, thiết lập, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ CC và các cơ quan nhà nước. Đến nay, cả nước đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt 95,8%. Tính từ thời điểm Cổng Dịch vụ công quốc gia đưa vào vận hành ngày 9/12/2019 đến ngày 9/2/2020, đã có hơn 44 nghìn tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hơn 13,4 triệu lượt truy cập; hơn 854 nghìn hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia… Trong năm 2019 đã khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, kết nối với Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Khi triển khai toàn quốc, số lượng hồ sơ xử lý liên thông đạt khoảng 8.000 hồ sơ/1 ngày…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CPĐT đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc, khả năng đột phá của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, triển khai thực hiện và thúc đẩy CPĐT thời gian qua. Kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ CC và các cơ quan nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước đang quyết liệt chung tay chống dịch Corona. Nếu chúng ta làm Chính phủ điện tử tốt cũng là góp phần phòng, chống virus Corona vì có nhiều người sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tham gia nền kinh tế số, thúc đẩy các giao dịch điện tử; năm 2020 là năm đầu tiên chuyển sang Chính phủ số, chính quyền số. Do đó, mục tiêu đề ra là phải quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020 tại Nghị quyết số 17/NQ - CP (đặc biệt là chỉ tiêu 30% DVCTT mức độ 4); chỉ tiêu tỷ lệ cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng DVCTT tăng từ 50% lên 100%; 100% các bộ, ngành, địa phương có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối với nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP);100% các bộ, ngành, địa phương có Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC). Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần đảm bảo nguồn tài chính cho xây dựng CPĐT; quản lý tốt, hiệu quả, chống tiêu cực trong thực hiện CPĐT; xây dựng CPĐT phải đi liền với CCHC… Các bộ, ngành, địa phương cần đồng tâm, hiệp lực quyết tâm cụ thể hóa trong triển khai CPĐT có bước tiến cao hơn…
 

Tác giả bài viết: Hồng Minh