Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020

Chiều 15/5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020. Đồng chủ trì có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh có liên quan.
Năm 2019, thiên tai trong khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường với tổng số 600 đợt thiên tai quy mô cấp quốc gia và khu vực, làm trên 2 nghìn người chết. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2019 trên thế giới khoảng 150 tỷ USB.
Ở Việt Nam, thiên tai không diễn ra dồn dập, khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước; đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, gây thiệt hại về người và tài sản.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường trên cả nước đã xảy ra 07 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng. Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44 nghìn nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100 nghìn ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của các Bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của nhân dân; sự tham gia góp sức của nhiều tổ chức quốc tế nên công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Đối với Hà Giang, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 đợt mưa, dông lốc đã làm 3 người chết; 11 người bị thương; trên 2400 ngôi nhà bị hư hỏng. Ngoài ra gây thiệt hại về nông, lâm nghiệp, thủy sản; giao thông; giáo dục; công nghiệp, thông tin liên lạc; thủy lợi…Ước tổng giá trị thiệt hại, do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay trên 43 tỷ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố có người chết, bị thương đã kịp thời đến động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kinh phí theo mức quy định; chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách và đảm bảo xã hội để hỗ trợ khắc phục. UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí 4.361 triệu đồng hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời nhận thức rõ hơn về vai trò của công tác phòng, chống thiên tai đối với tính mạng người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh: Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường và trái quy luật, do vậy công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; Đảng, Nhà nước và các địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành Trung ương căn cứ chức năng nhiệm vụ, tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là rà soát, cập nhật hoàn thiện kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai gây ra. Tập trung chỉ đạo thực hiện phương châm 4 tại chỗ; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo. Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai tại các cấp. Khẩn trương kiểm tra, rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo phục vụ sự chỉ đạo, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…

 

Tác giả bài viết: Hồng Minh