Họp Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Sáng ngày 23/5, tại trụ sở UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì họp Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo; Chủ tịch UBND các huyện/thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận họp.
 

Cuộc họp đã được nghe đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tác động của đại dịch Codid-19 đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang; dự thảo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng cuối năm 2020. Theo báo cáo đánh giá, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn trong những tháng đầu năm 2020. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, gặp khó khăn về tài chính nên ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Do đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (tính đến ngày 20/5/2020) là 680 tỷ đồng, đạt 27,2% dự toán tỉnh giao, đạt 35,9% dự toán Trung ương giao.

Song song tiếp tục với công tác phòng chống dịch bệnh, tỉnh đã triển khai kịp thời những nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh và từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Phê duyệt và triển khai thực hiện hỗ trợ cho 03 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP với 387.864 đối tượng. Tổng kinh phí hỗ trợ là 308,1 tỷ đồng. Đến nay, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 386.000 đối tượng, với tổng kinh phí đã thực hiện là 306,64 tỷ đồng, đạt 99,51% tổng kinh phí hỗ trợ. Số còn tồn, chưa chi trả được do một số đối tượng hiện vắng mặt trên địa bàn và không có giấy ủy quyền nhận tiền hỗ trợ theo quy định; mặt khác, một số đối tượng là người già, ốm yếu, khuyết tật nên phải thực hiện chi trả tại gia đình. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo dừng các nhiệm vụ chi chưa cần thiết và tiếp tục thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công.

Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đã gỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân đã dần ổn định trở lại. Tỉnh đã bắt đầu thực hiện, một số biện pháp kích cầu trong lĩnh vực du lịch, thương mại, kinh doanh... Trong đó, có thể tỉnh sẽ đồng ý cho tổ chức một số sự kiện lớn của tỉnh trong năm như Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Đua xe môtô địa hình, Qua những miền di sản văn hoá Ruộng Bậc thang Hoàng Su Phì. Ngành Nông nghiệp ngoài những sản phẩm hàng hoá là sản phẩm hữu cơ phải tiếp tục quan tâm đến việc tái đàn gia súc; lựa chọn những sản phẩm đặc trưng chất lượng để đầu tư quảng bá làm mặt hàng thiết yếu trong lĩnh vực du lịch.
 



Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên dự họp đã tập trung cho ý kiến vào dự thảo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng cuối năm 2020; những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Các đại biểu huyện đã tập trung phản ánh những khó khăn của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung phối kết hợp đưa ra những giải pháp đẩy mạnh sản xuất công-nông nghiệp, trong đó tập trung nhiệm vụ thu ngân sách địa phương; thúc đẩy quảng bá phát triển du lịch; đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực và nâng cao đạo đức công vụ. Bên cạnh đó cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, sự phối kết hợp giữa các cấp, các ngành nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với kịch bản kịch bản phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kịch bản cần có đánh giá sâu hơn về tăng trưởng kinh tế - xã hội theo từng quý, bám sát vào định hướng chung, có đưa ra dự báo tình hình và đưa ra phương án cụ thể trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng cuối năm, đặc biệt là thu chi ngân sách, tín dụng tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phải đưa ra được giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động hướng tới sự bền vững.


Tác giả bài viết: Nguyễn Đoan