Họp bàn các giải pháp cấp bách dập tắt dịch tả lợn Châu Phi

Chiều ngày 06/6, tại trụ sở UBND tỉnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đã chủ trì cuộc họp với một số Sở, ngành, đơn vị liên quan bàn các giải pháp cấp bách dập tắt dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Dự họp có lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh; các huyện: Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp cấp bách dập tắt dịch tả lợn Châu Phi.
Theo thông tin từ Cục Thú y, tính đến ngày 06/6/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 3.536 xã/342 huyện/58 tỉnh thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 2,2 triệu con. Ngoài ra đã có 45 xã thuộc 14 tỉnh có dịch đã qua 30 ngày sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
Tại tỉnh Hà Giang, tính đến 15 giờ ngày 05/6/2019, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 866 con/100 hộ/55 thôn/29 xã/7 huyện, trọng lượng tiêu hủy là 47.013,9 kg.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vác xin phòng bệnh, vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng cao, đường lây truyền rất đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại các địa phương trong khi các hoạt động thương mại, du lịch đa dạng, khó kiểm soát; chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ, đan xen trong khu dân cư, do vậy việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lan truyền mầm bệnh rất khó khăn. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết lại rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan. Do vậy trong thời gian tới nguy cơ dịch bệnh là rất cao, đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, gia trại, trang trại gây hậu quả khó lường.
Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh. Toàn tỉnh đã thành lập 119 chốt để thực hiện kiểm tra, kiểm soát luồng lưu thông của lợn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy , cơ chế, chính sách lưu thông chung chính là nguyên nhân đầu tiên để lọt dịch bệnh vào tỉnh. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền còn chưa sâu sát; việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch dưới cơ sở còn chưa quyết liệt.
Tại cuộc họp, các thành viên đã thẳng thắn đề cập đến các nguyên nhân để dịch bệnh lây lan và đưa ra các giải pháp để dập dịch trong thời gian tới. Một số hạn chế trong quá trình thực hiện các biện pháp dập dịch và công tác phối hợp, xử lý vi phạm, công tác tiêu hủy, thực trạng tình hình ngăn ngừa qua biên giới cũng được đề cập đến trong cuộc họp.

 

Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trịnh Văn Bình phát biểu ý kiến tại cuộc họp

Cũng tại cuộc họp, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đề xuất giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh an toàn sinh học trong chăn nuôi, khuyến cáo người dân tạm thời không tái đàn; giảm quy mô tổng đàn lợn bằng cách cho giết mổ tiêu thụ nội địa nhằm giảm số lượng lơn bị nhiễm bệnh, góp phần giảm áp lực về ngân sách cho nhà nước và giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo Giám đốc Sở Công thương, hiện Hà Giang đã nằm trong vùng dịch bệnh, việc giết mổ đối với những con lợn khỏe mạnh cũng là một vấn đề nguy hiểm vì nguy cơ ủ bệnh cũng rất cao. Bên cạnh đó, việc bảo quản thịt lợn sau giết mổ cũng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần bàn sâu hơn nữa. Sở Công thương đưa ra giải pháp dừng giết mổ lợn trong một thời gian cụ thể để dập dịch; giải tán những chốt trạm trực không cần thiết, tập trung các biện pháp phun độc khử trùng cho tất cả các gia đình chăn nuôi.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các Sở, ngành, các huyện, thành phố trong việc phòng, chống và dập dịch. Để sớm dập tắt các ổ dịch đã có và hạn chế sự lây lan ra diện rộng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục thực hiện một số biện pháp sau:
Tiếp tục quán triệt tới toàn thể cán bộ, người dân về các chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của tỉnh, đảm bảo hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh trong tỉnh; thống nhất ngăn chặn tuyệt đối không cho lợn và các sản phẩm thịt lợn từ ngoài vào tỉnh; đồng ý cho giết mổ tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn trong nội địa đối với những con lợn khỏe mạnh đã được kiểm định; thống nhất 1 mức giá hỗ trợ cho các loại lợn thiệt hại sau dịch do Sở Tài chính ban hành vào ngày đầu của mỗi tháng;
Đối với các huyện, thành phố: rà soát các đàn lợn đang có trên địa bàn để đưa ra các giải pháp chấn chỉnh những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện phòng, chống và dập dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp thôn; củng cố lại các chốt trạm kiểm dịch, xốc lại ý thức của các cá nhân, tập thể và người dân, trong đó yêu cầu Thường trực UBND huyện phải thường xuyên xuống từng chốt trạm để đưa ra chỉ đạo cụ thể; mỗi huyện phải ban hành kế hoạch trong đó quy định chặt chẽ việc giết mổ và tiêu thụ thịt lợn của địa phương mình; mở đợt tổng tiêu độc khử trùng đối với tất cả các hộ nuôi lợn tại các thôn bản; chỉ đạo các hộ chăn nuôi, các thôn, xã phải tự tìm, bố trí điểm tiêu hủy lợn dịch; chỉ đạo các hộ dân không tái đàn đến khi có chỉ đạo mới. Khuyến khích tăng cường linh hoạt các giải pháp chống dịch. Đối với các huyện biên giới, kiểm tra chặt chẽ, nghiêm cấm 100% việc nhập các sản phẩm lợn vào địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường tập huấn chuyên môn cho các huyện; cung ứng đủ hóa chất tiêu độc khử trùng cho các địa phương; cập nhật hàng ngày báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh trong tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo quyết liệt các Đồn biên phòng nghiêm cấm việc vận chuyển lợn từ các lối mòn trên các tuyến biên giới.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đoan