Lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Chiều 19/6/2019, Đoàn công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang, nhằm nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân Vận Tỉnh ủy, Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Lao động - TB&XH, Y tế, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh; các đồng chí lãnh đạo,Thường trực nạn nhân Chất độc da cam/dioxin tỉnh.
Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được ban hành và có hiệu lực từ ngày 14/5/2015, nhằm tăng cường công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, hòa nhập với cộng đồng xã hội; các cấp Hội đã chủ động tích cực, khắc phục khó khăn, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh chỉ đạo công tác chăm sóc, hỗ trợ đối với các nạn nhân chất độc; các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 43; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ. Thực hiện tốt công tác kiểm tra cơ sở, giám sát hoạt động của các cấp Hội. Hàng năm đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ khám chữa bệnh, làm nhà mới, sửa chữa nhà, đưa đón nạn nhân đi điều dưỡng…
Hiện nay toàn tỉnh có 1.049 nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó nạn nhân trực tiếp là 793 người, nạn nhân gián tiếp là 240 người, 16 người phục vụ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chương trình số 144-CTr/TU và nhiều văn bản khác nhằm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW. Kết quả sau 4 năm từ khi có Chỉ thị 43 đến nay, tỉnh Hội đã vận động quỹ được trên 3 tỷ đồng; cấp huyện, thành Hội vận động được 2.162,3 triệu đồng; vận động các Công ty, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh ủng hộ vật chất cho nạn nhân, ước tính 333,9 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ làm được 90 nhà ở cho nạn nhân; tặng 1.673 xuất quà; tặng 10 xe lăn; hỗ trợ nạn nhân khó khăn và đi điều dưỡng …
Từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2019, thăm, tặng quà cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và đối tượng trực tiếp, gián tiếp, các đối tượng có công, thân nhân người có công nhân dịp Tết nguyên đán, các ngày lễ lớn 14.060 suất. Ngoài ra, hàng năm UBND tỉnh phân bổ kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ để tổ chức phong trào Tết cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, với tổng kinh phí 305 triệu đồng…
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí trong Đoàn công tác đặc biệt ấn tượng với tỉnh Hà Giang trong cách tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Kết quả sau 4 năm thực hiện cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đưa Chỉ thị 43 thực sự đi vào cuộc sống, góp phân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và đưa ra một số giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt có hiệu quả hơn Chỉ thị số 43. Trong đó tập trung làm tốt công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị địa phương trong mọi hoạt động nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43. Tiếp tục tham mưu cho UBND các cấp ở địa phương phát động quyên góp, ủng hộ “Quỹ vì Nạn nhân Chất độc da cam” nhằm tăng cường nguồn lực quỹ hội để có điều kiện chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cảm ơn, đồng thời nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đánh giá kết luận của Đoàn công tác, cam kết sẽ cụ thể hóa, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả hơn Chỉ thị 43 của Ban Bí thư TW Đảng trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian tới. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn tỉnh Hà Giang tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và  Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ làm công tác Hội ở cấp xã, phường, thị trấn để nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin; sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách giải quyết chế độ cho thế hệ thứ 3 (cháu) được hưởng trợ cấp cho người phục vụ nạn nhân không tự phục vụ được…
Kết luận cuộc làm việc, Trưởng đoàn công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đánh giá cao việc triển khai Chỉ thị số 43 của tỉnh Hà Giang. Bên cạnh chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị Hà Giang tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức trong cấp ủy, hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân; tiếp tục rà soát các đối tượng nhiễm chất độc da cam, kể cả thế hệ thứ 3 một cách cụ thể, từ đó chăm lo tốt hơn cho các nạn chất độc da cam. Đồng thời cần quan tâm củng cố tổ chức Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cũng như đảm bảo quyền lợi và chăm lo tốt cho người bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh...
Theo kế hoạch, trước buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành liên quan, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Giang.

Tác giả bài viết: Hồng Minh