Phiên họp Ủy ban nhân dân tỉnh tháng 9 năm 2021

Chiều ngày 28/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, UBND tỉnh đã tiến hành họp trực tuyến phiên họp tháng 9/2021, nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng, bàn phương hướng thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định; tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn đạt được những kết quả khá tích cực. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,1%.
Sản xuất nông nghiệp được mùa cả hai vụ Xuân và vụ Mùa. Tiến độ triển khai các Đề án phát triển nông nghiệp đạt tốt, bước đầu tạo hiệu quả tích cực. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 82,1% kế hoạch Trung ương giao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với cùng kỳ, đạt 65,8% kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh quý III năm 2021 ước đạt 3.985,4 tỷ đồng, tăng 4,56% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 177.199 ha, tăng 0,74% so với năm 2020. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 421.115 tấn, tăng 1,57% so với năm 2020 bằng 6.504 tấn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 10,43% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 5.638,5 tỷ đồng, tăng 18,7% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8.995,6 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ, đạt 72,3% kế hoạch.


Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền báo cáo một số lĩnh vực của ngành tại phiên họp.
 
Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm, kịp thời hỗ trợ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân duy trì thực hiện tốt. Các sự kiện văn hóa, thông tin truyền thông được đổi mới hình thức triển khai theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả và phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các hoạt động dạy và học được thực hiện phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tích cực triển khai công tác chuyển đổi số tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số doanh nghiệp, xúc tiến du lịch, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.


Giám đốc Sở GĐ&ĐT Nguyễn Thế Bình tại cuộc họp.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch và đến nay Hà Giang vẫn là một trong số ít các tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, tỉnh đã kịp thời tổ chức đưa 03 Đoàn công tác với 112 cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ chống dịch cho miền Nam và 17 cán bộ quân y của Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia tăng cường cho Đội Cơ động phòng, chống dịch của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tổ chức tốt các chốt kiểm dịch biên giới; trong 9 tháng, đã phát hiện và ngăn chặn 340 vụ/1.067 người nhập cảnh trái phép, tiếp nhận 153 vụ/706 người do Trung Quốc trao trả.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long điều hành thảo luận tại phiên họp.
 
Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, tuy nhiên kết quả thu 9 tháng năm 2021 đạt được còn thấp so với dự toán tỉnh giao. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Tả lợn Châu Phi chưa được khống chế triệt để. Bên cạnh đó công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiến độ triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới 8 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2021 còn chậm. Đề án Cải tạo vườn tạp và Đề án phát triển bền vững cây Cam Sành chưa đi vào thực chất, chưa làm thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao đời sống sinh hoạt của người dân mà chủ yếu làm theo số lượng. Sự quyết liệt của các cấp, các ngành trong thực hiện các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm còn chậm. Công tác cải thiện chỉ số PCI chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, như việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư.
Trong 3 tháng cuối năm 2021, tình hình trong nước vẫn chịu tác động lớn từ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Dịch bệnh có xu hướng lây lan tại nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương trọng điểm về kinh tế, làm gia tăng khả năng đứt gãy của nhiều chuỗi sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể kéo dài sang đầu năm 2022, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021. Theo đánh giá cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả nước năm 2021 phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19.
Đối với tỉnh Hà Giang, dự báo 3 tháng cuối năm 2021 cũng sẽ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đến khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm. Do vậy, tỉnh vẫn phải tiếp tục đặt ưu tiên hàng đầu cho hoạt động phòng, chống dịch. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, mức độ mở cửa đối với hoạt động dịch vụ và du lịch của tỉnh sẽ hạn chế. Khả năng hoàn thành các chỉ tiêu về dịch vụ và du lịch là rất khó khăn.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 giúp cho Hà Giang vẫn là tỉnh an toàn của cả nước. Trong 3 tháng cuối năm tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát lại cơ cấu kinh tế trong tình hình dịch bệnh để có giải pháp cụ thể đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế; UBND các huyện phối hợp với các ngành của tỉnh xử lý công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, đảm bảo cho công tác giải ngân theo đúng kế hoạch; đôn đốc việc khởi công các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án thu hút đầu tư. Ngành Nông nghiệp cần có giải pháp nâng cao giá trị, sản lượng cây trồng nhằm tăng giá trị ngành Nông lâm nghiệp bù cho các ngành dịch vụ, vận tải… trong bối cảnh khó khăn như hiện nay; có giải pháp khống chế dịch tả Lợn Châu Phi trong thời gian sớm nhất.
Về sản xuất công nghiệp, Chủ tịch yêu cầu ngành Công thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo Kế hoạch và Phương án tiêu thụ cam niên vụ 2021-2022 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch tại các trường học, thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường bán trú, nội trú. Tổ chức tốt công tác dạy và học năm học 2021-2022; sẵn sàng phương án điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Giao ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm và kết nối cung - cầu lao động, kết nối thị trường để đưa lao động đi làm việc. Làm tốt công tác quản lý lao động, có kế hoạch đưa các lao động quay trở lại làm việc tại các Khu công nghiệp trong cả nước khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đoan