Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh

Sáng nay 01/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) nhằm triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tại các điểm cầu trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Mở đợt cao điểm huy động cả hệ thống chị vào cuộc - Quyết tâm, quyết liệt ngăn chặn, khống chế dịch bệnh trên vật nuôi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý báo cáo lĩnh vực hoạt động của ngành về tình hình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tại hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Tân Quang (Bắc Quang); tổng số gia cầm mắc bệnh, chết tiêu hủy bắt buộc trên 4.000 con; đã công bố hết dịch từ tháng 4.2021. Toàn tỉnh có 106 xã của 10 huyện (trừ thành phố Hà Giang) xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục với trên 10.900 con trâu, bò mắc bệnh; số gia súc chết và tiêu hủy 1.150 con, trọng lượng trên 205 tấn; đến nay, có 98 xã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh. Dịch tả lợn châu Phi lây lan ra 46 xã thuộc 10 huyện, thành phố với tổng số lợn chết và tiêu hủy bắt buộc 5.833 con/695 hộ/156 thôn; trọng lượng tiêu hủy trên 268 tấn; hiện có 3 xã đã công bố hết dịch gồm: Bạch Ngọc, Thuận Hòa (Vị Xuyên) và thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn).
Triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật, tỉnh bố trí kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng, thuốc diệt côn trùng; hỗ trợ điều trị gia súc mắc bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT cung ứng cho các huyện, thành phố trên 230 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục; đến hết ngày 30/9/2021, các huyện điều trị khỏi triệu chứng lâm sàng cho trên 9.700 con trâu, bò và tiêm phòng cho trên 208 nghìn con. Các địa phương có dịch tạm dừng buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò vào vùng dịch theo quy định. Tuy nhiên, dịch bệnh động vật hiện diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát ở diện rộng rất cao; hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí mua vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nhận thức người dân hạn chế trong việc tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi…


Lãnh đạo huyện Mèo vạc phát biểu.
 
Thảo luận tại hội nghị, các ngành, địa phương phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh vật nuôi diễn biến phức tạp: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm, sát sao trong phòng, chống dịch cho gia súc; dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị; công tác tiêu hủy lợn bắt buộc chưa triệt để, nhất là khâu vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các hộ có dịch. Theo đó, đại biểu cũng   chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp khống chế dịch bệnh, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu hợp tác, chủ động trong phòng, chống dịch; quản lý chặt việc buôn bán, vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch; xử lý vi phạm về giết mổ gia súc mắc bệnh…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, để phòng, chống dịch hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cấp, ngành, địa phương và người dân cần phải quyết tâm, quyết liệt ngăn chặn, khống chế dịch bệnh trên vật nuôi. Xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp cơ sở trong phòng, chống dịch; phát huy vai trò lực lượng thú y; thường xuyên giám sát, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm ổ dịch; tiêu hủy gia súc mắc bệnh theo đúng quy trình, không để mầm bệnh phát tán, lây lan; thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh tiêu độc khử trùng tại vùng dịch để đảm bảo tiêu diệt triệt để mầm bệnh; quản lý, thực hiện nghiêm công tác vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc. Các tổ chức chính trị - xã hội phải vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân; hướng dẫn biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ điều trị gia súc mắc bệnh để giảm thiệt hại cho người dân.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương cần chủ động phương án phòng, chống dịch, không ỷ lại vào các cơ quan chuyên môn; nghiêm cấm vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò ra vào hoặc lưu thông trong vùng dịch; lập các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc vào địa bàn; phân công trách nhiệm và bố trí lực lượng theo từng địa bàn; kiểm tra, rà soát các điều kiện để đề nghị công bố hết dịch theo quy định. Các sở, ngành liên quan cử tổ công tác có chuyên môn phối hợp với địa phương xử lý triệt để ổ dịch; kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát tránh lây lan diện rộng; chủ động phát hiện các hành vi vi phạm mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn và tiêu thụ sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch và xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện trái quy định…

Tác giả bài viết: Hồng Minh